Vùng biển đặc thù – Giải pháp mới cho bảo tồn đa dạng sinh học biển

Nhiều nước trên thế giới đã hình thành vùng biển đặc thù để giải quyết vấn đề bảo vệ đa dạng tài nguyên biển xuyên biên giới. Việt Nam có thể áp dụng mô hình này cho phục hồi sinh thái biển, nguồn lợi biển và bảo vệ các loài quý hiếm.

Một cách bảo vệ đa dạng sinh học có tính pháp lý cao

Hiện nay, vùng biển đặc thù sinh học hoặc sinh thái (EBSA: Ecologically or Biologically Significant Marine Area) đang được sử dụng nhiều trên thế giới để tiếp cận và bảo vệ các vùng sinh thái đặc thù, quan trọng.

Các vùng EBSA này đặc biệt có giá trị khoa học cho các quốc gia trong việc quy hoạch không gian biển (QHKGB) hoặc trao đổi hợp tác quản lý, bảo tồn các khu vực biển quốc tế nằm ngoài vùng tài phán. Ngoài ra, các vùng EBSA cũng là công cụ bảo tồn ĐDSH biển có giá trị pháp lý quốc tế cao được Công ước ĐDSH (CBD) và nhiều quốc gia trên thế giới đồng thuận áp dụng. Đây sẽ là cơ sở khoa học quan trọng cho việc đề xuất kế hoạch, nghiên cứu bảo vệ hệ sinh thái (HST) đặc thù và ĐDSH biển cho dựa vào các vùng EBSA ở Việt Nam và vùng biển kế cận.

Từ năm 2004, các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (ĐDSH) đã bắt đầu xây dựng kế hoạch thành lập các Khu bảo tồn biển liên vùng biển theo yêu cầu của Liên hiệp quốc. Từ đó, hình thành khái niệm vùng đặc thù sinh học hoặc sinh thái (EBSA).

Từ năm 2011 đến 2014, Ủy ban liên minh Công ước đa dạng sinh học đã tổ chức 9 hội nghị vùng có sự tham gia của các chuyên gia thuộc 92 quốc gia và 79 vùng lãnh thổ. Kết quả của các hội nghị đã nhận định bước đầu có 204 khu vực biển quốc tế và thuộc các quốc gia đáp ứng được các tiêu chí của vùng EBSA, chiếm khoảng 1/3 diện tích các đại dương.

Hằng năm, các hội nghị khu vực tổ chức họp để các bên liên quan, các quốc gia, các tổ chức liên danh quốc tế đệ trình các vùng EBSA, xét duyệt hồ sơ và các vấn đề liên quan. Đến thời điểm năm 2020, hội thảo khu vực được tổ chức theo các vùng như: Tây Nam Thái Bình Dương; Vùng biển Ca-ri-bê mở rộng và phía Tây trung tâm Đại Tây Dương; Nam Ấn Độ Dương; Vùng biển nhiệt đới và ôn đới phía Đông Thái Bình Dương; Bắc Thái Bình Dương; Đông Nam Đại Tây Dương; Vùng Bắc cực; Tây Bắc Đại Tây Dương; Vùng biển Địa Trung Hải.

Việc xác định các vùng EBSA là bước quan trọng cho việc tiếp cận quy hoạch vùng bảo tồn dựa vào sinh thái và các giải pháp quản lý phù hợp của từng quốc gia và liên vùng biển giữa các quốc gia.

Từ năm 2010, quy trình đăng kí xác nhận vùng EBSA yêu cầu chuẩn bị một số bước sau (COP 10 – Conference of the Parties 10): Các quốc gia hoặc các tổ chức liên minh quốc gia xác định các vùng EBSA tiềm năng đạt các tiêu chí và phù hợp với luật pháp quốc tế và Luật Biển của Liên hợp quốc; chuẩn bị cơ sở dữ liệu đầy đủ liên quan đến các tiêu chí đánh giá vùng EBSA; trình bày hồ sơ vùng EBSA tại các hội thảo khu vực để lấy sự đồng thuận của các bên; dựa trên các hội thảo khu vực về thông tin chi tiết các vùng EBSA đáp ứng tiêu chuẩn, Ban tư vấn và hỗ trợ khoa học kỹ thuật của Công ước về ĐDSH (SBSTTA – Subsidiary Body on Scientific, Technical and Technological Advice) sẽ chuẩn bị báo cáo đánh giá gửi hội nghị các bên (COP) xem xét duyệt.

Việt Nam nên tham khảo áp dụng mô hình các vùng biển đặc thù để bảo vệ đa dạng sinh học biển

Tiếp cận bảo tồn dựa vào vùng EBSA ở Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và là một trong 20 vùng biển có nguồn lợi hải sản phong phú trên thế giới. Hoạt động phục hồi sinh thái biển, nguồn lợi biển và bảo vệ các loài quý hiếm ở Việt Nam chủ yếu dựa vào việc thành lập các KBTB.

 Tuy nhiên, hiệu quả quản lý và bảo tồn loài ở những KBTB không phải nơi nào cũng đạt được mục tiêu mong muốn. Ví như  Khu bảo tồn biển Vịnh  Nha  Trang giai đoạn đầu phát triển rất tốt về bảo vệ nguồn lợi và sinh kế, nhưng đến thời điểm hiện tại có thể chưa đạt hiệu quả cao. Một số KBTB được thành lập nằm trong vườn quốc gia hoặc khu dự trữ sinh quyển như: Cát Bà, Núi Chúa, Côn Đảo và có những tính chất quản lý đặc thù riêng, cũng cần phải đánh giá hiệu quả quản lý. Một số KBTB lại phát triển rất tốt ở thời điểm hiện tại như Cù Lao Chàm, bảo vệ được sinh thái, tạo được sinh kế bền vững cho người dân và cần đúc kết kinh nghiệm để định hướng phát triển cho các KBTB khác.

Và đến thời điểm này, khi một số KBTB đã đi vào hoạt động tới 20 năm như (Vịnh Nha Trang) và đã 10 năm triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể các KBTB Việt Nam và tuy nhiên, nhưng cũng chưa có những nghiên cứu nào đánh giá tổng thể, rà soát lại thực trạng của các KBTB đã thành lập về mặt bảo vệ sinh thái, nguồn lợi biển, sinh kế của cộng đồng ngư dân và hiệu quả của công tác quản lý. Chính vì vậy, việc thành lập và xây dựng hồ sơ để đề xuất công nhận vùng đặc thù EBSA là cơ hội để chúng ta đánh giá lại hiệu quả của các khu bản tồn biển cũng như thống kê lại những loài đặc hữu trên vùng biển Việt Nam.

Đặc biệt, hoạt động này vô cùng hiệu quả đối với vùng biển khơi, các hệ sinh thái gò đồi ngầm, hoặc hệ sinh thái biển sâu là những vùng rất tiềm năng để đề xuất công nhận vùng đặc thù EBSA. Do các khu vực này hầu như chưa bị tác động nhiều bởi hoạt động của con người, chúng còn giữ được tính nguyên sơ của các hệ sinh thái. Ở đây từng được xác định có nhiều hệ sinh thái đặc thù mà ít khi có ở nơi khác như: hệ sinh thái san hô vùng nước lạnh, hệ sinh thái thảm bọt biển và nhiều loài mới có thể chưa được ghi nhận trên thế giới. Trong Quyết định số 28/QĐ-TTg phê duyệt chương trình nghiên cứu bãi cạn, gò đồi ngầm và biển sâu trong giai đoạn 2020 – 2025. Đây cũng là cơ hội để thu thập đầy đủ các cơ sở khoa học cho việc đề xuất các vùng EBSA ở Việt Nam, ví dụ như các gò đồi ngầm ở vùng biển Trường Sa.

Để thành công trong việc đề xuất công nhận các khu EBSA tại Việt Nam, theo Tiến sỹ Dư Văn Toán, Viện nghiên cứu Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Cơ quan quản lý cần định hướng tiếp cận bảo tồn biển kết hợp giữa  Khu bảo tồn biển và khu EBSA để tạo thành mạng lưới sinh thái hỗ trợ lẫn nhau trong việc bảo vệ ĐDSH và tài nguyên thiên nhiên của vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Nghiên cứu, xây dựng một số khu vực EBSA tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xem xét thiết lập các khu EBSA với các quốc gia lân cận.Xem xét nghiên cứu, đề xuất ứng dụng vào nội dung đàm phán cấp cao của phái đoàn Việt Nam trong cac cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về Công ước bảo tồn ĐDSH ngoài vùng tài phán quốc gia.

Các bài viết khác

Scroll to Top
Scroll to Top